Xã hội nghĩ gì về việc giáo viên đánh học sinh?
Gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về các vụ bạo lực của giáo viên với học sinh. Điều này đã gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Cùng tìm hiểu về hiện trạng và cách xử lý tình trạng này.
Thực trạng bạo lực của giáo viên với học sinh
Trước đây, tình trạng bạo lực học đường chỉ diễn ra lác đác một vài vụ. Thế nhưng gần đây có rất nhiều tin tức liên quan đến việc bạo hành trẻ em gây phẫn nộ, đặc biệt nhân vật chính lại là những người trong nghề giáo luôn được xã hội tôn trọng.
Có thể kể đến vụ việc cô giáo ở Nhà Bè im lặng, không giảng bài trong suốt 4 tháng lên lớp, thầy giáo ở Phú Nhuận chửi tục, nhục mạ học sinh hay cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng.
Trước những hiện tượng nhức nhối này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương rà soát và đánh giá lại việc thực hiện nền nếp, quy định của các trường học trên cả nước. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức và lối sống cho học sinh và giáo viên hiện nay.
Tình trạng giáo viên bạo lực học sinh đang ngày càng phổ biến
Tại sao giáo viên lại có hành động bạo lực với học sinh?
Lý giải về hiện tượng đáng buồn này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân chính là bởi giáo viên không được đào tạo nhiều về kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp cũng như cách ứng phó với tình huống khủng hoảng. Một phần cũng là do tình yêu thương của họ dành cho nghề, cho học sinh chưa đủ lớn.
Ngược lại, về phía học sinh cũng là người có lỗi. Nhà trường chỉ chú trọng đến việc dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy đạo đức, dạy làm người, khiến nhiều học sinh có thái độ, hành động thiếu lễ phép với thầy cô, coi thường và vi phạm nội quy trường học. Điều này khiến giáo viên có sự ức chế, dồn nén tâm lý, lâu dần mất kiểm soát và dẫn đến hành động mắng chửi và đánh học sinh.
Tuy nhiên, xét đến tận cùng, cho dù học sinh mắc lỗi nặng đến đâu thì việc giáo viên sử dụng bạo lực để xử lý là hoàn toàn sai lầm. Hành động bộc phát ấy vừa tác động mạnh đến tâm lý, sức khỏe và nhân cách của học sinh, vừa vi phạm đạo đức của nghề giáo, khiến người dạy học có thể phải chịu trách nhiệm dân sự và hình sự.
Dù thế nào thì giáo viên bạo lực học sinh là điều hoàn toàn sai lầm.
Giáo viên ngược đãi, đánh đập học sinh bị xử phạt như thế nào?
Cô Nguyễn Thu Nga, giảng viên Cao đẳng y dược TPHCM thắc mắc: “Tôi được biết hiện nay có rất nhiều trường hợp giáo viên đánh đập, ngược đãi học sinh. Bản thân là một người mẹ có con đang học cấp 1, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi muốn hỏi rằng, những trường hợp bạo hành học sinh như vậy sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào?”
Căn cứ Điều 21 Nghị định 65/2015/NĐ-CP ngày 7-8-2015 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì đối với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học bị xử lý vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi buộc người học thôi học không đúng quy định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, hành vi đánh đập, ngược đãi học sinh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hy vọng những người làm nghề giáo sẽ giữ được cái tâm và sự bình tĩnh để hiện tượng đáng buồn này không còn xảy ra nữa.