Làm thế nào dể nhận biết được trẻ có bị bạo hành ở trường hay không?
Bạo lực học đường đang là một vấn đề gây phẫn nộ trong xã hội nhất là với lứa tuổi mầm non. Làm thế nào để nhận biết được trẻ có bị bạo hành ở trường hay không? Cha mẹ cần lưu ý về những biểu hiện bất thường của trẻ để có thể sớm phát hiện và can thiệp.
Với trẻ chưa biết nói
Với trẻ chưa biết nói thì cha mẹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn vì trẻ không thể nói chuyện hay diễn đạt phụ huynh những gì xảy ra ở trường với con hay thể hiện cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên không phải là không có những cách để phát hiện. Thông thường trẻ con sẽ thương thể hiện cảm xúc như vui, buồn, giận giữ, hay sợ hãi khi làm một việc gì đó hoặc muốn một điều gì đó. Trong tiếp xúc với mọi người trẻ cũng sẽ thể hiện cảm xúc của bản thân trẻ một cách chân thật nhất và có những biểu hiện tâm lý nhất định.
Khi bị cô giáo đánh, la mắng hay ngược đãi liên tục trẻ thường có những biểu hiện tâm lý giống như triệu chứng của bệnh trầm cảm như lo âu hay sợ hãi, thường xuyên giật mình . Trẻ có biểu hiện lười ăn, chán ăn hoặc thậm chí còn nôn ọe khi ăn mà trước đó trẻ không có những biểu hiện này.Ban đêm thì trẻ ngủ không ngon giấc và giấc ngủ không sâu hoặc hay bị giật mình, la hét hoặc mê sảng. Một biểu hiện thường thấy nhất của trẻ là không muốn đến lớp hoặc sợ sệt khi chuẩn bị đến lớp. Trẻ sẽ tìm mọi cách để được ở nhà khóc lóc, lăn lộn để không phải đến lớp nhưng khi nhìn thấy cô giáo thì sẽ có 2 biểu hiện trẻ thường làm là hoặc sẽ khóc lớn hơn hoặc là im bặt, mếu máo khi nhìn thấy cô giáo.
Đôi khi những biểu hiện như lảng tránh khi cha mẹ gần gũi yêu thương hoặc tự nhiên quá bám dính lấy mẹ hoặc tức giận hay chán nản.
Chân thực hơn là cha mẹ có thể kiểm tra việc con có bị bạo hành ở trường hay không thông qua kiểm tra cơ thể bé.Quan sát kỹ càng bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón con để đoán xem có thể có điều gì khác thường xảy ra ở trường hay không. Những viết thương do trầy xước hay té ngã hoàn toàn khác biệt với những vết thương do bạo hành từ con người. Xuất hiện những vết bầm tím thì phụ huynh nên hỏi ngay giáo viên xem nguyên nhân từ đâu mà có để tránh những trường hợp hiểu lầm nếu như đó là vết thương do té ngã hay đánh nhau mà cô giáo chưa thông báo cho phụ huynh.
Với những trẻ đã biết biểu đạt suy nghĩ
Với những trẻ đã biết biểu đạt suy nghĩ thì bố mẹ có thể trò truyện hằng ngày với con, hỏi han bằng những câu hỏi đơn giản để bé có thể hiểu được. Bố mẹ và bé có thể giao tiếp với nhau bằng những kí hiệu riêng để bé có thể chia sẻ với mình về những gì diễn ra ở trường ngày hôm nay. Với nhiều bé thường hay thể hiện những hành động hoặc lời nói bất thường như khi đi học bé từ chối đi học hoặc trở nên lầm lì khi vào lớp và bỗng nhiên đặc biệt vui vẻ khi ở nhà hoặc tan học. Trẻ cũng có thể trở nên khép nép và bị động hoặc bướng bỉnh nhiều hơn…
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em những dấu hiệu chung để nhận biết trẻ bị bạo hành thương là những biểu hiện giống như triệu chứng trầm cảm hoặc bị trầm cảm như lo âu, sợ hãi, dễ giật mình, nghiến răng, dễ khóc, khi ăn dễ nôn, trớ hoặc sợ hãi khi bố mẹ nhắc tới đi học. Trò truyện về buổi học hằng ngày của trẻ và dể ý những dấu hiệu bất thường trên cơ thể trẻ là cách để bố mẹ nhận biết trẻ có bị bạo hành hay không.